Tin tức

Những điều nên và không nên làm tại phòng thí nghiệm

   Việc mặc các trang phục bảo hộ giúp bảo vệ người thao tác trong lúc làm việc ở phòng thí nghiệm, ngoài ra để thực sự an toàn, cần nhớ kỹ 4 điều nên làm và 3 điều không nên làm sau đây.

A. 4 điều nên làm

1. Nắm rõ vị trí các thiết bị sơ, cấp cứu

   Khi có tai nạn xảy ra, cần phải xử lý nhanh chóng để tránh những hậu quả nặng nề. Do đó việc nắm rõ vị trí các thiết bị sơ cấp cứu là hết sức cần thiết. Các thiết bị sơ cấp cứu thường có trong phòng thí nghiệm gồm:

  • Tủ thuốc y tế: bông, băng, cồn, gạc…
  • Vòi rửa khẩn cấp 
  • Bình chữa cháy 

Hình 1. Một số thiết bị sơ, cấp cứu cần có trong phòng thí nghiệm

2. Cẩn trọng với các thí nghiệm nguy hiểm

   Quá trình thí nghiệm có thể xảy ra các tai nạn liên quan tới máy móc, dụng cụ và hóa chất phản ứng gây ra, do đó cần hết sức tập trung trong quá trình thao tác và lưu ý:

  • Tuyệt đối không được dùng dụng cụ đã nứt, vỡ cho các thí nghiệm, các mảnh vỡ thủy tinh nên được đặt vào các thùng chứa riêng biệt để xử lý.
  • Khi thao tác với ống nghiệm, cần phải dùng kẹp ống nghiệm hoặc để ống nghiệm trên giá, không cầm trực tiếp bằng tay. Không để miệng ống nghiệm hướng vào mình hay những người xung quanh phòng trường hợp hóa chất phản ứng văng trúng người.
  • Các thí nghiệm có hóa chất bay hơi cần thực hiện trong tủ hood.
  • Tuyệt đối không thao tác đèn cồn gần hóa chất dễ cháy, dễ phát nổ.

3. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị và hóa chất

   Tất cả các máy móc trong phòng thí nghiệm đều cần có Quy trình thao tác chuẩn SOP (Standard Operating Procedure) để hướng dẫn người thao tác thực hiện đúng. Cần đọc kỹ và làm theo các bước vận hành này để tránh các sự cố đáng tiếc gây hỏng máy và tai nạn cho người dùng.

   Mỗi máy móc, thiết bị cần có sổ Nhật ký sử dụng để ghi chú tình trạng của máy trước và sau khi vận hành. Bất kỳ dấu hiệu sự cố nào cũng cần được báo cáo cho người quản lý để tìm cách khắc phục, tránh gây hỏng máy và tai nạn cho người thao tác.

   Cần đọc kỹ quy trình của thí nghiệm và nắm vững nguyên lý của chúng, để tránh gây ra các phản ứng nguy hiểm, ví dụ như cho bột natri vào nước có thể gây ra phản ứng nổ hay đổ nhầm nước vào acid sulfuric có thể làm bắn acid ra các vùng khung quanh.

   Cần đọc kĩ nhãn hóa chất để biết được các thông tin về mức độ nguy hại của hóa chất, từ đó sắp xếp, bảo quản và sử dụng thích hợp. Ngoài ra, trước khi dùng hóa chất, cần đọc lại nhãn để tránh trường hợp lấy nhầm hóa chất cho các thí nghiệm.

4. Giữ phòng thí nghiệm sạch sẽ, gọn gàng

   Cần giữ phòng thí nghiệm luôn ở trạng thái sạch sẽ, gọn gàng để tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra:

  • Trên mặt bàn thí nghiệm chỉ để các hóa chất và dụng cụ cần thiết, liên quan tới thí nghiệm đang làm.
  • Nếu sàn bị trơn ướt cần cảnh báo cho các thành viên khác đang ở trong phòng thí nghiệm và nhanh chóng lau khô để tránh các trường hợp té ngã do trơn trượt.
  • Các chướng ngại vật trên lối đi cần được dọn dẹp
  • Dụng cụ thí nghiệm cần được rửa sạch, sấy khô ngay sau khi sử dụng

 

B. 3 điều không nên làm

1. Không đùa giỡn trong phòng thí nghiệm

   Đùa giỡn trong phòng thí nghiệm có thể gây mất tập trung cho bản thân và những người xung quanh, dễ gây ra các sai sót trong quá trình thao tác thí nghiệm. Ngoài ra đùa giỡn còn có thể gây té ngã, đổ vỡ hóa chất và dụng cụ.

2. Không ăn hay uống, hút thuốc trong phòng thí nghiệm

   Các hóa chất có thể lây nhiễm cho thức ăn và nước uống, hay nguy hiểm hơn là uống hay ăn nhầm hóa chất. Do đó tuyệt đối không mang thức ăn, nước uống vào phòng thí nghiệm. Việc ăn uống nên được diễn ra ở các khu vực cách biệt và cần rửa tay sạch sẽ để loại bỏ các hóa chất có thể dính vào trước khi ăn.

   Hút thuốc lá tạo ra tàn thuốc, gây ảnh hưởng đến các thí nghiệm và đặc biệt có thể phát sinh ngọn lửa gây cháy nổ trong phòng thí nghiệm.

 

Hình 2. Bảng cấm hút thuốc hoặc bật lửa tại phòng thí nghiệm

 

3. Không ngửi trực tiếp hóa chất

   Ngửi trực tiếp hóa chất có thể gây sốc và tổn thương niêm mạc mũi. Trong trường hợp bất đắc dĩ cần nhận biết hóa chất bằng phương pháp ngửi mùi, có thể ngửi gián tiếp bằng cách đặt hóa chất ở xa và phẩy tay lại gần.

Hình 3. Cách ngửi hóa chất

Tài liệu tham khảo

  1. A. Keith Furr, Handbook of Laboratory Safety, 5th edition
  2. Robert H. Hill, David C. Finster, Laboratory Safety for Chemistry Student, second edition
  3. Trần Kim Tiến, Kỹ thuật an toàn trong phòng thí nghiệm hóa học, NXB. Khoa học và kỹ thuật
Khoa Dược

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        1,750,149       1/821