Tuyên truyền

Sinh viên đang học  »  Tuyên truyền


Quy định xử phạt hành vi mang vũ khí ra đường

Hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên, giới trẻ sử dụng súng, hung khí tự chế... để gây án, thanh toán lẫn nhau có chiều hướng gia tăng cả về tính chất, mức độ phạm pháp và đang trở thành vấn nạn nhức nhối, đáng lo ngại...

Không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh giới trẻ khi ra đường mang theo những vật dụng như dao bấm, côn, roi điện… và một số vũ khí thô sơ khác. Hầu hết, các bạn trẻ khi bị cơ quan công an kiểm tra đều lấy lí do mang hung khí để “phòng thân”. Đó chỉ là một trong nhiều lý do được các đối tượng biện minh cho hành động mang hung khí của mình. Đây là lý do không có cơ sở, vì nếu ai ra đường cũng mang theo hung khí để phòng thân, giải quyết mâu thuẫn bằng dao kiếm… thì xã hội sẽ mang đậm sắc màu bạo lực, không còn kỷ cương pháp luật.

Theo cơ quan công an cho biết, số vụ vi phạm pháp luật do các đối tượng thanh thiếu niên gây ra đang có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng gây án rất manh động, liều lĩnh. Các đối tượng gây án đều tàng trữ trong người, hoặc để trong cốp xe máy, ô tô các loại hung khí. Chỉ cần một mâu thuẫn rất nhỏ trong cuộc sống, là các "anh chị" này sẵn sàng dùng vũ khí để… giải quyết.


Lực lượng CSGT kiểm tra hành chính phương tiện giao thông (Ảnh: Internet).

Nguyên nhân của những vụ việc trên chủ yếu do thanh thiếu niên bị tiêm nhiễm từ lối cư xử của các đối tượng bên ngoài nhà trường, thậm chí là những người lớn trong gia đình. Gia đình có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc hình thành nhân cách và các đặc điểm tâm lý cá nhân, đặc biệt đối với trẻ em và nhóm đối tượng ở độ tuổi vị thành niên. Những người phải chứng kiến cảnh bạo hành trong gia đình từ khi còn nhỏ thì khi lớn lên người ấy dễ mang tính bạo lực và sẽ dẫn đến có những hành vi lệch chuẩn.

Bên cạnh đó, cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các thông tin ngoài luồng xuất phát từ mạng xã hội, các trang web, blog cá nhân, game... Các thông tin mang tính bạo lực, giật gân liên tục xuất hiện trên các trang báo mạng, các video bạo lực, đặc biệt là những vụ án xâm phạm nhân thân bằng bạo lực được các trang báo mạng khai thác, mô tả chi tiết gây tác động không nhỏ tới tâm lý của đối tượng, gây hoang mang trong dư luận. Các game giải trí có tính chất bạo lực liên tục phát triển không ngừng cũng góp phần làm thay đổi đáng kể về hành vi ứng xử của một bộ phận thanh niên hiện nay.


Các trò chơi điện tử mang tính bạo lực ảnh hưởng đến sự thay đổi về hành vi
ứng xử, khiến lứa tuổi thanh thiếu niên trở nên nổi loạn và kích động hơn (Ảnh: Internet).

Ngoài ra, ở lứa tuổi vị thành niên, các bạn trẻ thường mang trên mình “cái tôi” cá nhân quá lớn. Lòng tự trọng dần biến thành cục tự ái to đùng lúc nào không hay nên hay nổi nóng vì những chuyện không đáng (Ví dụ như: va quẹt giao thông, xích mích chuyện tình cảm…)

Theo quy định tại Điều 230 Bộ luật hình sự (BLHS), người nào… tàng trữ, vận chuyển, sử dụng… vũ khí quân dụng bị quy vào tội “tàng trữ, vận chuyển,… vũ khí quân dụng”, có thể bị phạt tù với mức thấp nhất là một năm và cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người có hành vi phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1-5 năm.

Đối với các loại vũ khí thô sơ, Điều 233 BLHS quy định “Người nào… tàng trữ, vận chuyển… vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “tàng trữ, vận chuyển… vũ khí thô sơ” với hình phạt tù từ 3 tháng đến cao nhất là 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú 1 - 5 năm.

Trường hợp người có hành vi vi phạm về quản lý vũ khí thô sơ, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, tại khoản 4 Điều 13 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, người nào có hành vi “vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ với số lượng nhỏ hơn mà không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng không còn giá trị” bị phạt tiền từ 4-8 triệu đồng. Đối với hành vi “vận chuyển vũ khí thô sơ với số lượng lớn mà không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng không còn giá trị” bị phạt tiền từ 8-12 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện đối với hành vi vi phạm nói trên.

Như vậy, người có hành vi “mang các loại vũ khí như dao, kiếm, mã tấu, thậm chí là súng trên các phương tiện vận tải” có thể phải trịu trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính tùy thuộc vào loại vũ khí, số lượng vũ khí, tính chất của hành vi… như đã nói ở trên.

Là công dân Việt Nam, là thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. Các bạn sinh viên cần nỗ lực học tập, phấn đấu, rèn luyện đạo đức, chính trị, học tập văn hóa xã hội để có kiến thức bền vững, để trở thành một công dân tốt, để đưa con tàu Việt Nam ra biển lớn sánh vai cùng năm châu.

Vì một xã hội bình yên, văn minh. Sinh viên Lạc Hồng “HÃY NÓI KHÔNG VỚI MUA BÁN TÀNG TRỮ VŨ KHÍ TRÁI PHÉP”./.

 


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,316,051       1/867