Tuyên truyền

Sinh viên đang học  »  Tuyên truyền


Hiểm họa sử dụng điện thoại khi lái xe

Ngày nay, điện thoại di động đã trở thành vật bất ly thân đối với nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Họ sử dụng điện thoại để nghe, gọi, chụp ảnh, nhắn tin, lên mạng, facebook… mọi lúc mọi nơi, thậm chí cả khi đang tham gia giao thông. Vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại, nhắn tin là hình ảnh dễ dàng bắt gặp trên các tuyến đường hàng ngày.


Điện thoại di động đã trở thành vật bất ly thân đối với nhiều bạn trẻ (Ảnh: Internet)

Sử dụng điện thoại khi lái xe được xem là một cách tiết kiệm thời gian đối với những người năng động. Tuy nhiên, khi sử dụng điện thoại đồng thời với điều khiển xe cũng mang lại những rủi ro tiềm ẩn.

Việc bị mất một tay cho việc cầm điện thoại sẽ khiến bạn mất tập trung khi lái xe, đồng thời không thể phản ứng khi gặp những tình huống bất ngờ.

Đối với xe máy, lái bằng một tay không thể chắc chắn và an toàn bằng 2 tay. Hơn nữa tay trái cầm điện thoại sẽ khiến bạn không thể sử dụng hệ thống phanh kết hợp ở xe tay ga. Giật mình trước những tình huống bất ngờ sẽ khiến bạn sử dụng phanh trước mạnh và đột ngột, gây tai nạn là điều khó tránh khỏi.

Đã có người vì mải mê nghe điện thoại mà qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng không báo hiệu, đèn đỏ quên dừng lại… gây bất bình cho những phương tiện cùng lưu thông, thậm chí xảy ra tai nạn. Dù nghe hay gọi, nhắn hay trả lời tin nhắn… thì họ vẫn không dừng xe lại để đảm bảo an toàn cho mình và người khác.


Không ít bạn trẻ có thói quen vừa chạy xe
vừa sử dụng điện thoại di động (Ảnh: Internet)

Không những vậy, đây còn là hành vi thiếu ý thức, thiếu văn hóa khi tham gia giao thông, góp phần tạo điều kiện cho tội phạm cướp giật hoạt động. Đã có không ít vụ tai nạn giao thông đau lòng xảy ra từ việc sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện.

Theo phân tích của cơ quan chức năng, số vụ tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông tương đương với số vụ tai nạn do người lái xe sử dụng rượu bia. Dùng điện thoại khi tham gia giao thông sẽ gây phân tâm, hạn chế khả năng quan sát, khiến người điều khiển phương tiện giao thông mất tập trung; khả năng điều khiển, kiểm soát vận tốc khi gặp tình huống bất ngờ sẽ lúng túng, không xử lý kịp thời gây tai nạn là tất yếu.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định: "Cấm người đang điều khiển mô tô, xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động". Mới đây, Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng quy định: “Xử phạt 60.000 – 80.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển xe sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính”. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng người tham gia giao thông sử dụng điện thoại vẫn diễn ra phổ biến do nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế và một phần do mức xử phạt còn thấp, số người vi phạm bị xử phạt chưa đáng kể. Do đó, để góp phần kéo giảm tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại di động mang lại đòi hỏi ý thức của những người tham gia giao thông.


Hiện trường 1 vụ tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại di động (Ảnh: Internet)

Nếu bắt buộc phải sử dụng điện thoại, bạn có thể đeo tai nghe từ trước, và nhận cuộc gọi bằng phím tắt trên tai nghe. Bạn vừa có thể sử dụng điện thoại và vừa rảnh tay điều khiển xe. Còn không, hãy dừng hẳn xe để nhận cuộc gọi hoặc khi bạn có nhu cầu sử dụng điện thoại. Đây là cách an toàn cho cả bạn và những người xung quanh.

Tuyệt đối không nhắn tin hay lướt web, chat khi tham gia giao thông. Việc làm này khiến toàn bộ sự tập trung của bạn hướng về thiết bị di động mà không còn chú ý đến việc lái xe. Hành động thi thoảng đá mắt về phía trước để nhìn đường chỉ mang tính hình thức, vì sự tập trung của bạn lúc này không còn cho việc lái xe nữa, nguy cơ tai nạn là không phải bàn cãi.

Thiết nghĩ, việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông là thật sự không cần thiết, không những bị xử phạt mà còn gây nguy hiểm tính mạng cho bản thân và những người đang lưu thông trên đường. Không có cuộc gọi hay tin nhắn nào đáng giá bằng mạng sống của bản thân và những người xung quanh mình. Vì thế, hãy nói không với sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện giao thông các bạn nhé!!!

(Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp)

 

 


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,316,345       1/844