Tuyên truyền

Sinh viên đang học  »  Tuyên truyền


Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh "Kỳ 18 - Bác Hồ và câu chuyện về Cây bụt mọc"

     Ngày nay nếu đến thăm nhà sàn và ao cá Bác Hồ, chắc hẳn hầu hết mọi người sẽ thấy thích thú trước những rẽ cây lạ trồi cao khỏi mặt đất, tựa như những pho tượng Phật bằng gỗ mộc, kích thước to, nhỏ, cao thấp đa dạng, lô nhô xếp liền nhau quanh sườn bờ ao bên trái ngôi nhà sàn và gần chiếc cầu nhỏ uốn cong bắc qua ao cá, tạo ra một sự kỳ thú của cảnh quan tự nhiên.


Ngôi nhà sàn Bác ở (Ảnh tư liệu).

     Vì tất cả bộ rễ nhô lên khỏi mặt đất có hình tựa như hình ông bụt đứng dầm chân, soi gương bóng nước nên Bác Hồ đã đặt tên loài cây này là cây bụt mọc. Tưởng chừng nó cũng chỉ như bao cây bình thường khác. Nhưng cây bụt mọc đối với anh em phục vụ Bác cũng như cán bộ quản lý lại rất có ý nghĩa.

     Sát bên đầu phía nam chiếc cầu nhỏ bắc qua ao cá cũng có một cây bụt mọc. Vào đầu năm 1965, anh em phục vụ phát hiện ra cây bụt mọc này bị mối xông đã hỏng đến quá nửa thân, sợ cây đổ bất ngờ gây nguy hiểm vì nó mọc ngay cạnh con đường nhỏ quanh ao cá mà hàng ngày Bác và mọi người thường qua lại, các đồng chí trong cơ quan quyết định chặt bỏ cây. Khi biết được ý định đó, Bác đã nói: “Chặt bỏ một cây hỏng thì dễ dàng thôi nhưng trồng được một cây mới thì rất khó. Bởi vậy các chú hãy tìm cách chữa cho cái cây bị mối xông đi đã”. Rồi Bác chỉ cho anh em một kinh nghiệm chữa cây bị mối xông như sau: Trước hết, cạo sạch phần thân cây bị mối xông, sau đó dùng vôi, rơm nhồi vào trong và cuối cùng dùng xi măng trát phía ngoài thân cây. Bác phân tích: Vôi có tác dụng chống mối và côn trùng xâm nhập; rơm tạo thành lớp mùn giúp cây phát triển bình thường; xi măng ngăn không cho nước ngấm vào thân cây thêm mục nát, đồng thời giữ cho thân cây cứng cáp. Anh em đã làm theo lời Bác và sau một thời gian, cây bụt mọc đã sống lại, không bị mối xông, phát triển tốt.


Cây bụt mọc (Ảnh minh họa).

     Chuyện về việc chữa cây bụt mọc qua đi tưởng như chỉ đơn giản có thế, nhưng sau này, trong buổi nói chuyện tại một hội nghị cán bộ quản lý, Bác Hồ đã kể lại câu chuyện chữa cây bụt mọc để nhắc nhở chung mọi người làm việc gì cũng phải suy xét cho kỹ, tìm phương pháp tối ưu để đạt kết quả tốt nhất, và Người kết luận rằng: “Việc quản lý, giáo dục, xem xét cán bộ cũng phải như vậy - đừng thấy cán bộ phạm khuyết điểm đã vội vã kết luận ngay và thi hành kỷ luật mà không cần suy xét gì. Đó là thói quan liêu. Trách nhiệm của người cán bộ quản lý là phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc cán bộ phạm khuyết điểm. Như vậy cán bộ mới trưởng thành, cán bộ quản lý mới làm tròn trách nhiệm của người lãnh đạo”.

     Cây bụt mọc mang ý nghĩa đặc biệt trên đã bị đổ do cơn bão số 3, tháng 7 năm 1977, nay chỉ còn lại phần gốc cao tới 2 mét như bằng chứng của một kinh nghiệm quý báu mà Bác đã để lại cho chúng ta và một bài học mang giá trị thực tiễn lớn lao cho những người làm cán bộ quản lý.

Nguồn: Trích trong “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,317,574       1/879