Tuyên truyền

Sinh viên đang học  »  Tuyên truyền


Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh "Kỳ 9 - Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào vệ sinh yêu nước"

    Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sức khỏe của nhân dân. Theo quan điểm của Bác để bảo vệ sức khỏe, ngoài việc ǎn uống đầy đủ, chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao còn phải giữ gìn vệ sinh thật tốt. Vệ sinh sạch sẽ, tạo điều kiện để môi trường trong sạch, con người sống trong môi trường đó được hít thở không khí trong lành, tǎng thêm sức đề kháng chống sự xâm nhập của các loại vi khuẩn độc hại vào cơ thể. Ngược lại, một nơi mất vệ sinh, môi trường bị ô nhiễm bởi các chất bẩn, độc hại thì con người dễ bị bệnh tật, ốm đau, giảm tuổi thọ.

    Bác thường nói: "Không sạch sẽ thì bẩn, bẩn thỉu sinh bệnh tật". Trong thời gian kháng chiến, khi đi thǎm các đơn vị quân đội, các xí nghiệp, trường học, Bác luôn quan tâm đến điều kiện sinh hoạt của đơn vị và kêu gọi mọi người phải chú ý giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe. Nói chuyện với đồng bào Thủ đô Hà Nội, Bác nhấn mạnh: “Công tác vệ sinh ở Hà Nội cần được chú ý hơn nữa, cần đẩy mạnh công tác vệ sinh ở những khu nhà công nhân, trong các xí nghiệp, cơ quan và các khu lao động”.

    Ngay từ năm 1945, khi bắt đầu thành lập nước đến khi Bác qua đời, Bác đã có nhiều bài nói chuyện, bài viết về công tác y tế, trong đó có nhiều bài viết về vấn đề vệ sinh phòng bệnh. Công tác vệ sinh phòng bệnh luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là một trong những công việc quan trọng nhất trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bác Hồ đã đưa vấn đề vệ sinh phòng bệnh vào phong trào “Vệ sinh yêu nước” và thường xuyên nhắc nhở toàn dân phải giữ gìn vệ sinh. Để triển khai tốt các hoạt động về vệ sinh phòng bệnh, Bác cũng đã quán triệt việc phát động phong trào tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng, dựa vào quần chúng để thực hiện. Đặc biệt, ngày 02/7/1958, Bác Hồ đã có bài viết về “vệ sinh yêu nước” đăng trên báo Nhân dân số 1572 nhằm kêu gọi toàn thể người dân tích cực tham gia các hoạt động về vệ sinh phòng bệnh.

    Mở đầu bài báo Bác viết: “Yêu nước thì việc gì có lợi cho dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết”. Trong bài viết, Bác đã nhắc nhở: “Mọi người từ già trẻ, trai gái đã là người yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khỏe”. Bác cho một trong những công việc quan trọng bậc nhất đó là công tác vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ngay trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng, Bác cũng đã dành một điều để nhắc nhở các cháu học sinh phải “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”. Bác còn đưa ra quan điểm “Phòng bệnh hơn trị bệnh” và đặc biệt quan tâm đến những vấn đề rất nhỏ về vệ sinh môi trường như: đảm bảo nước sạch, diệt ruồi, diệt muỗi.


Ngày 15/2/1965, Bác Hồ về thăm đồng bào xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương
và nói chuyện về công tác vệ sinh phòng bệnh. (Ảnh tư liệu)

    Thực hiện lời dạy của Bác, trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự tham mưu có hiệu quả của ngành y tế, cùng với những cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể cùng với các cấp, các ngành và sự hưởng ứng tích cực của toàn dân, công tác vệ sinh phòng bệnh đã được triển khai sâu rộng thông qua các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Ba sạch, ba diệt”, phong trào “Ăn sạch, ở sạch”, “Sạch làng, sạch ngõ”… và nhiều chương trình vệ sinh quốc gia, vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh đã được thực hiện có hiệu quả. Nhiều chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh đã được thực hiện. Những phong trào và chương trình quốc gia này đã tác động tích cực tới việc khống chế dịch bệnh, cải thiện môi trường sống, góp phần làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

    Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi “Vệ sinh yêu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 730/QĐ-TTg về việc lấy ngày 2/7 hàng năm là "Ngày vệ sinh yêu nước - Nâng cao sức khỏe nhân dân". Việc tổ chức ngày này nhằm nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của các hoạt động vệ sinh đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân, mỗi gia đình, đối với sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc Việt Nam. Đây cũng là hoạt động để tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với công tác vệ sinh nâng cao sức khỏe.

    Năm 2012 là năm đầu tiên ngành y tế tổ chức lễ phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước - Nâng cao sức khỏe nhân dân” tại nơi Bác Hồ đã về nói chuyện với đồng bào, thăm giếng nước, công trình vệ sinh và phát động phong trào vệ sinh ở xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (nay là Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của tỉnh Hải Dương)

Bài học:

    Trong bối cảnh nước ta đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật và công nghệ dẫn đến môi trường ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng, đe dọa môi trường sống của con người. Nhiều loại bệnh tật xuất hiện, sức khỏe con người ngày càng giảm sút nghiêm trọng. Do đó việc giữ gìn vệ sinh theo lời dạy của Bác càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Mỗi người cần nhận thức việc giữ gìn vệ sinh trước hết là để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, cho xã hội và bảo vệ môi trường sống trên toàn thế giới.


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,320,741       1/994