Phổ biến kiến thức

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phổ biến kiến thức


Dấu hiệu sớm của ung thư lưỡi

Ung thư lưỡi là bệnh ung thư thường gặp nhất trong các ung thư vùng khoang miệng và hay gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Hầu hết các trường hợp ung thư lưỡi không tìm được nguyên nhân gây bệnh nhưng người ta thấy rằng có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh bao gồm: hút thuốc lá, rượu, nhai trầu, tình trạng vệ sinh răng miệng kém, nhiễm virut HPV, chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin A, E, D và khoáng chất.

Nguyên nhân gây bệnh :

Hút thuốc lá (những người thường xuyên hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng, lưỡi cao hơn nhiều so với người không sử dụng thuốc lá).Uống nhiều rượu, bia  (bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi ung thư miệng hoặc ung thư lưỡi đều là những người nghiện rượu bia. Vì rượu có khả năng kích thích các gene gây ung thư và gây ra nhiều bệnh ác tính khác) nên nếu những người hút thuốc lá thấy xuất hiện những đốm trắng trên lưỡi thì có thể là triệu chứng của loại bệnh này.    Những người tiếp xúc với các tia bức xạ cường độ cao cũng có nguy cơ phát triển bệnh ung thư miệng và lưỡi. Ngoài ra tiền sử gia đình, hay gene di truyền,  tình trạng vệ sinh răng miệng kém dẫn đến viêm quanh răng cũng là nguyên nhân sinh ra tế bào ung thư lưỡi.

Biểu hiện của ung thư lưỡi:

Giai đoạn đầu: các triệu chứng thường nghèo nàn hay bị bỏ qua. Người bệnh có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng qua đi nhanh. Ở giai đoạn này lưỡi có một điểm nổi phồng lên với sự thay đổi màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc vết loét nhỏ. Tổn thương chắc, rắn, không mềm mại như bình thường. Một số bệnh nhân có hạch cổ ngay ở giai đoạn này.

Giai đoạn toàn phát: người bệnh đau nhiều khi ăn uống, đau kéo dài gây khó khăn khi nói. Bệnh nhân có thể sốt do nhiễm khuẩn, không ăn được nên cơ thể suy sụp rất nhanh. Đau tăng lên khi nói, nhai và nhất là khi ăn thức ăn cay, nóng, đôi khi đau lan lên tai; Tăng tiết nước bọt; Chảy máu: nhổ ra nước bọt lẫn máu; Hơi thở hôi thối: do tổn thương hoại tử gây ra. Một số trường hợp gây khít hàm, cố định lưỡi gây khó nói và nuốt. Có ổ loét ở lưỡi, trên ổ loét phủ giả mạc dễ chảy máu, loét phát triển nhanh, lan rộng làm lưỡi hạn chế vận động, không di động được. Thương tổn thường sùi loét, được tạo thành từ một vết loét không đều ở đáy có mủ máu, bờ nham nhở, chảy máu khi va chạm. Đôi khi không có dấu hiệu loét mà là một nhân lớn gắn chặt xuống lớp dưới, nhô lên dưới lớp niêm mạc căng nhẵn, có màu tím nhạt, lớp niêm mạc lỗ rỗ những lỗ nhỏ mà khi ấn vào sẽ làm rỉ ra một chất trắng, sản phẩm của hoại tử ở phía dưới.

Giai đoạn tiến triển hơn, thể loét chiếm ưu thế, loét sâu lan rộng xuống bề mặt hoặc vào mặt dưới của lưỡi xuống sàn miệng gây đau đớn dữ dội, bội nhiễm, có mùi hôi, rất dễ chảy máu thậm chí có thể gây chảy máu nhiều ảnh hưởng đến tính mạng.

Đa số các tổn thương u gặp ở bờ tự do của lưỡi, đôi khi gặp ở mặt dưới lưỡi, mặt trên lưỡi hoặc ở đầu lưỡi.

Chẩn đoán xác định:

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng trong đó quan trọng nhất là xét nghiệm mô bệnh học: sinh thiết u để chẩn đoán xác định.

Điều trị :

Nếu bệnh nhân ung thư lưỡi được phát hiện khi các tổn thương đã lan rộng, phải phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi, tùy vị trí và kích thước khối u. Ở giai đoạn sớm có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật, ở giai đoạn muộn hơn cần phải kết hợp điều trị phẫu thuật, xạ trị và hóa trị nhằm kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Trong một số trường hợp ở giai đoạn muộn khi có chảy máu nhiều tại u phải phẫu thuật thắt động mạch cảnh ngoài để cầm máu.

Xạ trị: có thể xạ trị đơn thuần trong các trường hợp ung thư lưỡi giai đoạn muộn không còn chỉ định phẫu thuật hoặc xạ trị triệt căn trong trường hợp giai đoạn sớm. Xạ trị cũng có thể dùng sau phẫu thuật nhằm diệt nốt những tế bào ung thư còn sót lại.

Hóa chất: có thể dùng đường toàn thân hoặc đường động mạch lưỡi, có thể đơn hóa chất hoặc phối hợp đa hóa chất. Hóa chất có thể dùng trước, sau phẫu thuật - xạ trị hoặc hóa chất điều trị triệu chứng. Điều trị hóa chất trước phẫu thuật hoặc xạ trị nhằm mục đích giảm thể tích khối u, ngăn chặn sự phát triển của khối u, khu trú tổn thương để phẫu thuật và xạ trị thuận lợi hơn.

Lời khuyên của thầy thuốc

Phần lớn các bệnh nhân ung thư lưỡi không có cảm giác đau ở giai đoạn đầu nên người bệnh thường chủ quan và không đi khám. Nhưng khi tổn thương lớn lên mới xuất hiện nhiều triệu chứng như: xuất hiện hạch ở cổ, vết loét lâu ngày, màu trắng hoặc đỏ ở hai bên lưỡi (có thể hơi đau hoặc không đau), khó khăn khi nói, nhai, chảy máu lưỡi, đau tai... ngứa hoặc đau rát lưỡi khi uống rượu hoặc ăn các loại thức ăn có tính axit. Những biểu hiện trên có thể tái đi tái lại nhiều lần phải nghĩ đến ung thư lưỡi. Điều cần lưu ý là ở giai đoạn đầu rất nhiều bệnh nhân đã nhầm tổn thương ung thư lưỡi với nhiệt miệng. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo nếu bị loét lưỡi sau 3 tuần dùng kháng sinh không khỏi cần khám chuyên khoa ngay. Để phòng bệnh ung thư lưỡi cần vệ sinh răng miệng tốt, bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, nhai trầu, hạn chế tối đa uống rượu. Tầm soát với người có tiền sử gia đình ung thư khoang miệng.

Nguồn: bài viết của BS. Bùi Minh Lý 


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  5,287,198       1/605