Phổ biến kiến thức

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phổ biến kiến thức


Thực phẩm đối với sức khỏe con người

 

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn listeria monocytogenes

Theo thông báo ngày 26-9-2011 của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) về trường hợp ngộ độc thực phẩm từ loại dưa đỏ đã bị nhiễm khuẩn, gây cho trên 61 người mắc, trong đó có 12 người đã tử vong.

Nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc:

Trường hợp ngộ độc mang tính chất phân tán như trên là do vi khuẩn listeria monocytogenes vây nhiễm vào loại dưa đỏ (cantaloupe) được trồng tại nông trại Jensen, bang Colorado. Sản phẩm trên được phân phối rộng rãi tại nhiều tiểu bang của Mỹ. Cách nay 3 tuần, lần lượt các ca ngộ độc đã được báo cáo tại 15 tiểu bang, theo số liệu chưa đầy đủ đã có trên 61 người mắc và có 12 ca tử vong. Theo điều tra bước đầu, một số dưa đỏ đã bị nhiễm khuẩn trong quá trình thu hái và vận chuyển. Vi khuẩn listeria phân tán rất rộng rãi trong môi trường đất, nước, phân gia súc nên rất dễ lây nhiễm qua thực phẩm.

Sự nguy hiểm của vi khuẩn Listeria monocytogenes:

Nguy cơ của loại vi khuẩn này không chỉ dừng lại ở việc gây ra ngộ độc thực phẩm, mà chúng còn gây ra các bệnh lý nguy hiểm như sẩy thai, thai chết lưu, viêm não, nhiễm trùng huyết... Vi khuẩn listeria khi nhiễm vào cơ thể thường không phát bệnh ngay mà có giai đoạn ủ bệnh sau một thời gian khá lâu, trung bình khoảng 3 tuần, thậm chí đến 2 tháng. Chính vì vậy người ta thường không nhận biết sự tấn công của loại vi khuẩn này. Dấu hiệu khởi phát là có sốt, khó chịu, đau cơ... Nếu độc tố đủ mạnh chúng sẽ gây ra ngộ độc thực phẩm cấp tính sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm khoảng 24 - 72 giờ, với triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy, đau quặn bụng, nhức đầu... Tỷ lệ tử vong của trường hợp này rất cao, với khoảng 20 - 25% , đặc biệt ở nhóm đối tượng sức đề kháng yếu, phụ nữ mang thai, người già và trẻ em.

Việc phát hiện vi khuẩn listeria monocytogenes trong thực phẩm không phải là sự cố lần đầu, mà từ nhiều năm qua chúng đã gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Bỉ... Các vụ ngộ độc này thường dẫn đến tình trạng tử vong. Theo thống kê từ năm 2002 tại Mỹ, hàng năm tại nước này, số bệnh nhân nhiễm bệnh do vi khuẩn listeria khoảng 2.500 người, với gần 500 người chết; còn tại Anh từ 2001 - 2005 có 1.993 người mắc, với trên 300 ca tử vong; tại Canada hàng năm vẫn thường xảy ra các vụ ngộ độc do vi khuẩn Listeria. Gần đây tại Trung Quốc cũng đã báo cáo vài vụ ngộ độc do vi khuẩn này. Các nước đang phát triển, do thiếu điều kiện xét nghiệm, tầm soát loại vi khuẩn này, nên các trường hợp nhiễm bệnh hoặc ngộ độc thường bị bỏ qua.

Nhằm hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn listeria, cơ quan y tế các nước châu Âu, châu Mỹ, nước Úc, Nhật Bản... thường xuyên đưa ra những lời cảnh báo, đồng thời đưa ra các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt các nguồn nguyên liệu thực phẩm. Với đặc điểm dịch tễ học phức tạp, vi khuẩn Listeria monocytogenes được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào nhóm tác nhân sinh học có nguy cơ cao trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Các loại thực phẩm từng xảy ra ngộ độc như bánh nhân thịt, cá sốt cà, thịt đông lạnh, sữa, phô mai, rau quả tươi sống...

Thiết nghĩ, với điều kiện phát triển nhanh các loại thức ăn công nghiệp cũng như việc kinh doanh tràn lan nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc tại Việt Nam như hiện nay, thì thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn này không phải là ngoại lệ. Mặt khác, công tác điều tra dịch tễ và sàng lọc tác nhân gây bệnh chưa được đúng mức (phần lớn các tỉnh, thành chưa có đủ điều kiện xét nghiệm loại vi khuẩn này), vì vậy biện pháp tuyên truyền để phòng ngừa vẫn là cách tốt nhất.

Biện pháp phòng tránh:

Để giảm thiểu bệnh gây ra bởi vi khuẩn Listeria monocytogenes và các bệnh lây truyền qua thực phẩm khác, chúng ta cần tuân thủ lời khuyên sau đây:

  • Nấu kỹ thực phẩm có nguồn gốc từ động vật;
  • Rửa thật sạch rau, quả tươi sống trước khi ăn. Người già, trẻ em, phụ nữ có thai nên hạn chế dùng rau, quả tươi sống. Trường hợp ăn trái cây nên lột vỏ hoặc gọt vỏ;
  • Thực phẩm nên nấu chín, khi hâm lại phải đảm bảo độ sôi, kéo dài ít nhất 10 phút;
  • Không dùng sữa tươi chưa qua khâu khử trùng;
  • Tránh dùng thịt, cá đã rả đông nhiều lần từ tủ lạnh (dễ bị tái nhiễm vi khuẩn);
  • Cần thu gom các chất thải bỏ từ nguyên liệu thực phẩm và thức ăn thừa đảm bảo vệ sinh, tránh để ruồi nhặng, côn trùng xâm nhập và phát triển;
  • Tạo thói quen rửa tay sạch trước khi chế biến thực phẩm và sau khi tiểu tiện.

100% vụ ngộ độc thực phẩm sẽ được điều tra, xử lý kịp thời 

Năm 2013, ngành y tế Hà Nội đặt mục tiêu: 100% cán bộ Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được tập huấn và hiểu biết đúng về quản lý ATVSTP; 80% người sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tập huấn, phổ biến kiến thức và thực hành đúng về ATTP; 80% người tiêu dùng  hiểu biết đúng về ATTP; 100% vụ ngộ độc thực phẩm được điều tra xử lý kịp thời; xây dựng mới mô hình cải thiện ATVSTP dịch vụ ăn uống tại 35 phường, thị trấn; 70% cơ sở chế biến, kinh doanh, sản xuất thực phẩm được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP.

Từ đầu năm đến nay, đã có 642 đoàn thanh tra liên ngành ATVSTP (thành phố 10 đoàn; quận, huyện, thị xã 46 đoàn; xã, phường, thị trấn 586 đoàn) kiểm tra gần 15.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó hơn 12.000 cơ sở đạt ATTP; xử lý vi phạm với hình thức cảnh cáo 539 cơ sở, phạt tiền 81 cơ sở, hủy sản phẩm của 97 cơ sở, đình chỉ hoạt động 5 cơ sở. Ngoài ra, các sở, ngành liên quan cũng tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề về kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y; quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản; quản lý thị trường thực phẩm…

Điểm mặt những loại nước ép tốt và không tốt cho sức khỏe 

Ai cũng thích một ly nước ép trái cây. Màu sắc hấp dẫn, hương vị ngọt ngào và là loại nước uống lành mạnh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả các loại nước ép đều tốt cho sức khỏe.Theo các chuyên gia thì một số loại trái cây đặc biệt tốt cho sức khỏe nhưng cũng có một số loại tiềm ẩn những nguy cơ gây hại. Hãy cùng chuyên mục Sức khỏe nhận diện những loại nước ép tốt và không tốt cho sức khỏe.

  1. Sự lựa chọn tốt nhất: Nước ép rau

Uống nước ép từ rau là cách bổ sung chất dinh dưỡng tuyệt vời vào chế độ ăn uống hàng ngày của bạn. Chất lycopene có trong nước ép cà chua là một ví dụ điển hình, nó có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyền tiền liệt. Nước ép củ cải đường giúp hạ huyết áp. Nước ép từ các loại rau mềm rất giàu chất xơ và chúng có thể kiểm soát cơn đói. Thêm vào đó, nước ép rau chứa ít đường và ít calo hơn so với nước ép trái cây nói chung.

 

2. Lựa chọn tồi nhất

Cocktail trái cây

Hãy cẩn thận với cocktail trái cây và nước uống có hương vị trái cây. Hầu hết các loại nước này đều chừa rất ít các thành phần trái cây nguyên chất. Thành phần chính của nó là nước và các loại đường, chẳng hạn như xi-rô ngô fructose. Về dinh dưỡng, loại nước uống này giống như bất kỳ loại nước giải khát nào khác, chứa nhiều đường và calo nhưng chất dinh dưỡng lại rất thấp. Các nghiên cứu cho thấy, những loại nước uống này khiến trẻ em bị béo phì và mắc các bệnh liên quan đến béo phì.

Nước ép trái cây nguyên chất 100%

Có nên uống nước ép trái cây nguyên chất là đề tài gây nhiều tranh cãi trong suốt một thời gian dài. Nước ép trái cây nguyên chất có chứa nhiều loại vitamin tốt cho sức khỏe và chất chống oxy hóa, nhưng trái cây nguyên chất cũng chứa rất nhiều đường và calo. Một cốc nước ép táo nguyên chất có chứa lượng đường tương đương với vài chiếc kẹo sữa. Vì vậy, rất nhiều các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, chỉ nên uống một cốc nước ép trái cây mỗi ngày.

3. Những loại nước ép tốt cho sức khỏe

Nước ép lựu

Nếu bạn có ý định uống một ly nước ép trái cây mỗi ngày thì nước ép lựu là sự lựa chọn tuyệt vời. Nước ép lưu có hàm lượng đường và calo cao nhưng nó cũng rất giàu chất chống oxy hóa. Chất oxy hóa có trong quả lựu giúp bảo vệ các chức năng của não và ngăn ngừa ung thư. Một cuộc nghiên cứu đã chỉ ra, uống 240ml nước ép lựu mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ tái phát bệnh ung thư tuyền tiền liệt.

Nước ép quả việt quất

Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy quả việt quất giúp duy trì sức khỏe và ngăn chặn các bệnh của não liên quan đến tuổi già như bệnh mất trí nhớ.

Nước ép nho đỏ

Các nhà khoa học cho biết, rượu vàng rất tốt cho tim và nước ép nho cũng có tác dụng như vậy. Rượu vang và nước ép nho được chắt lọc từ cả vỏ và hạt quả nho, vì vậy mà lợi ích sức khỏe của nó mang lại tốt hơn so với việc bạn ăn quả nho, do khi ăn nho mọi người thường bỏ hạt.

Nước ép cam

Nước ép cam rất giàu vitamin C từ đó giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Nước ép cam không đường và chứa ít calo hơn so với những loại trái cây khác. Tuy nhiên, nó lại chứa ít chất chống oxy hóa.

6 bệnh dễ mắc do ăn nhiều thịt 

Một chế độ ăn nhiều thịt có thể làm cho người ta mắc một số bệnh. Tuy nhiên không phải hễ ai ăn thịt là mắc các bệnh này, mà chỉ những người ăn quá nhiều thịt, không quan tâm đến số lượng và chất của thịt mới dễ bị mắc bệnh.Chế độ ăn nhiều thịt có thể làm dễ mắc một số bệnh do cách ăn không đúng theo khoa học.

Bệnh tim mạch: Được coi là “kẻ giết người số 1” ở các nước phát triển. Nghiên cứu của Trường đại học Harvard cho thấy, huyết áp trung bình của người ăn chay giảm rõ rệt so với những người ăn thịt; nồng độ cholesterol trong máu của người ăn thịt cao gấp nhiều lần so với người ăn chay và là nguyên nhân chính của chứng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột qụy... Vì thế, Hội Tim mạch Hoa Kỳ đã khuyến cáo rằng, chế độ ăn chay có thể phòng ngừa từ 90 - 97% các bệnh tim mạch.

Bệnh tiểu đường: Chế độ ăn nhiều thịt, nhất là các loại thịt lẫn nhiều mỡ, làm tăng axít béo và triglycerid - là nguyên nhân gây ra tiểu đường týp II. Bởi vì các axít béo dư thừa trong máu và triglycerid ức chế hoạt động của insulin, điều này dẫn đến kết quả xét nghiệm lượng insulin trong máu vẫn bình thường hoặc chỉ hơi tăng nhưng đường huyết của người bệnh lại trong tình trạng bị cao. Nếu sửa chữa sai lầm này bằng cách chuyển sang chế độ ăn chay thì lượng đường trong máu giảm hẳn và nồng độ axít béo cũng về mức an toàn.

Bệnh thận: Nhiều nghiên cứu cho thấy, để bài tiết các hợp chất nitơ độc hại do ăn nhiều thịt thì thận phải làm việc gấp trên 3 lần so với thận của người ăn chay. Urê và acid uric là hai chất thải của chế độ ăn thịt rất độc hại đối với cơ thể. Khi chúng ta còn trẻ, thận còn khỏe thì việc thải loại các chất này còn cố được, nhưng khi đã cao tuổi, thận của chúng ta đã suy yếu thì công việc thải các chất này trở thành gánh nặng cho thận và kết quả là thận không thể thải độc hiệu quả, nên tất yếu dẫn đến bệnh tật.

Bệnh gút: Khi thận không đủ khả năng lọc thải hết các chất chứa nitơ độc hại thì creatinin và acid uric tăng cao trong máu. Nồng độ acid uric tăng cao sẽ lắng đọng lại trong các khớp nhỏ như khớp ngón tay, ngón chân gây nên bệnh gút. Tại các khớp, acid uric đọng lại kết tinh thành tinh thể tạo ra phản ứng viêm, gây nhiều đau nhức cho bệnh nhân.

Béo phì: Nguyên nhân của bệnh béo phì chủ yếu là do chế độ ăn quá dư thừa năng lượng calo như mỡ động vật, bơ, phomai, thịt, sôcôla, bột, đường... Khi đã béo phì thì người ta dễ lười vận động, từ đó năng lượng thừa không được tiêu hao lại tích trữ dưới dạng mỡ nên lại càng béo. Béo phì sẽ dẫn đến các bệnh vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, đau xương khớp.

Bệnh gan: Chức năng của gan là tổng hợp các chất cần thiết cho cơ thể và thải bỏ các chất độc hại ra ngoài. Nhưng chế độ ăn nhiều thịt và mỡ động vật sẽ làm gan làm việc quá sức và tổn thương. Thịt và mỡ ăn vào sẽ làm cho gan bị nhiễm mỡ, hóa xơ, hóa sẹo.

Bệnh ung thư: Sở dĩ ăn nhiều thịt dễ bị ung thư là vì chất bảo quản thịt. Do thịt rất giàu chất đạm dễ bị thiu thối nên một số người kinh doanh thiếu lương tâm đã tẩm thịt với các chất bảo quản như nitrit, nitrat... Đến tay người tiêu dùng, chúng ta chỉ rửa sạch, pha chế rồi nấu chín thịt. Nhưng dù nấu chín thịt thì các chất này không bị phân hủy. Khi chúng ta ăn vào ruột, các chất này kết hợp với các acid amin tạo nitrosamin là chất gây ung thư. Mặt khác nhiều người chăn nuôi đã sử dụng các loại chất kích thích tăng trưởng, chất gây thèm ăn, gây ngủ, hormon, kháng sinh… cho vật nuôi mau lớn. Mặt khác khi vật nuôi bị bệnh, bị khối u, họ vẫn giết mổ và bán thịt gia súc ra thị trường. Người tiêu dùng vì không mắt thấy tai nghe, vẫn vô tư ăn thịt mà không biết trong loại thịt đó chứa đầy chất độc hại có thể gây bệnh từ nhẹ đến ung thư. Nhiều người do thói quen ăn uống lại chỉ ăn thịt mà rất ít ăn rau nên dễ bị táo bón, ứ đọng chất độc, càng làm cho bệnh ung thư dễ phát triển.

Như vậy, một chế độ ăn nhiều thịt nhưng ít quan tâm đến chất lượng thịt có thể làm cho người ăn dễ mắc các bệnh nói trên. Do đó để tránh tình trạng này, chúng ta nên thực hiện một chế độ ăn đầy đủ và cân bằng giữa các chất dinh dưỡng là đạm, đường, béo, các vitamin và khoáng chất mới có thể có sức khỏe tốt.
 

Một nghiên cứu cho thấy : trong số các bệnh nhân ung thư thì 30% liên quan đến thuốc lá, 3% liên quan đến những phụ gia thực phẩm như chất màu, chất bảo quản, 35% liên quan đến ăn uống... Nói cách khác, nếu ăn uống hợp lý, khoa học thì 35% bệnh nhân sẽ thoát khỏi ung thư thay vì bị mắc bệnh này. Minh chứng cho tác dụng của chế độ ăn người ta thấy: cư dân vùng Bắc Mỹ và Tây Âu ăn nhiều thịt, bị ung thư đại tràng, ung thư dạ dày cao hơn cư dân ăn chay ở Ấn Độ; ở những nước ăn nhiều thịt, số phụ nữ bị ung thư vú cũng cao gấp 10 lần ở những nước có thói quen ăn chay. 

6 loại đồ uống giúp giảm huyết áp 

Hai nguy cơ làm tăng huyết áp là tuổi tác và gen có thể bạn không kiểm soát được nhưng chế độ ăn uống lành mạnh thì hoàn toàn nằm trong tầm tay của bạn. Dưới đây là 6 loại đồ uống có thể giúp bạn giảm huyết áp hiệu quả.

Sữa ít béo

Sự thiếu hụt hay dư thừa can-xi trong cơ thể thời gian dài có thể liên quan đến chứng cao huyết áp. Và thực tế là hấp thụ lượng can-xi cao sẽ giúp giảm huyết áp. Việc lựa chọn đúng loại sữa cho được kết quả tốt nhất là rất quan trọng. Sữa ít béo chứa hàm lượng can-xi cao hơn so với sữa béo và hàm lượng chất béo ở mức vừa phải cũng giúp cơ thể hấp thụ được can-xi hiệu quả hơn. Như một phần trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, 3 cốc sữa ít béo và các sản phẩm sữa ít béo khác sẽ có tác dụng giúp giảm huyết áp tâm thu.

Nước ép củ cải đường

Củ cải đường chứa nguồn kali và folate dồi dào. Đây là 2 loại khoáng chất rất quan trọng trong việc điều hòa huyết áp. Hơn nữa, củ cải đường cũng chứa nitrat được chuyển hóa thành nitrit ngay lập tức sau khi ăn vào bụng. Nitrit có tác dụng làm giãn các mô khớp xương và tăng lưu thông dòng máu. Cuối cùng, củ cải đường còn củng cố chức năng hoạt động của các mạch máu và chống lại nguy cơ mắc chứng homocysteine (axit amin lấy từ protein trong thức ăn, hấp thụ vào máu và làm tăng nguy cơ bệnh tim). Các nghiên cứu cho hay uống từ 1 đến 2 cốc nước ép củ cải đường mỗi ngày có thể làm giảm huyết áp ngay lập tức (trong 1 giờ sau khi uống).

Trà dâm bụt

Cũng giống như nước ép lựu, dâm bụt chứa các chất hóa học thực vật có hoạt tính sinh học hoạt động như chất ức chế ACE tự nhiên. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng trà dâm bụt có hiệu quả trong việc giảm huyết áp cũng giống như thuốc trị cao huyết áp được kê đơn trong phác đồ điều trị cao huyết áp và suy tim. 3 chén trà dâm bụt mỗi ngày để cho kết quả tốt nhất. Chú ý nên chọn loại trà còn tươi.

Nước ép lựu

ACE là một loại enzym làm tăng huyết áp bằng cách tạo ra protein có tên gọi angiotensin II. Trong khi đó nước ép lựu hoạt động như chất ức chế ACE tự nhiên tương tự như các loại thuốc được kê đơn để chữa trị huyết áp cao hay suy tim. Nước ép lựu có thể giảm 36% lượng ACE và đồng thời cũng giảm huyết áp tâm thu. Uống hai cốc nước ép lựu có pha thêm nước lọc mỗi ngày để có hiệu quả tốt nhất.

Nước ép cây việt quất

Cây việt quất hay nước ép việt quất có tỷ trọng chất chống oxi hóa và chống viêm nhiễm cao giúp ngăn ngừa và giảm sự phá hủy bên trong các thành mạch máu, và kết quả là có thể ngăn ngừa việc tăng huyết áp không mong muốn. Thêm vào đó, nước ép việt quất giúp giảm huyết áp bằng cách làm giãn nở thành mạch máu và tăng lưu thông dòng máu trong cơ thể. Không có tiêu chuẩn nào cho lượng nước ép việt quất nên uống trong ngày, nhưng vẫn cần lưu ý là cần uống nước ép từ 100% là quả việt quất và không có đường. Một cốc nước ép chứa 60 calo, do vậy mỗi ngày bạn có thể uống 2 cốc là vừa đủ.

Nước lọc

Nước lọc tinh khiết là một trong những lựa chọn đơn giản nhất, rẻ nhất, có lợi cho sức khỏe nhất và hiệu quả nhất trong điều trị cao huyết áp. Sự mất nước mãn tính khiến mạch máu bị co khít lại, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn và kết quả là tăng vọt huyết áp. Do vậy, cần bổ sung nước đầy đủ. Hầu hết chúng ta đều nghe rằng nên uống 8 cốc nước mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng nước vào trong cơ thể phải tùy thuộc vào trọng lượng cơ thể. Ví dụ như một người nặng khoảng 67kg thì nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày.

Chữa đầy hơi, chướng bụng bằng trái cây 

Nhai kẹo cao su thường xuyên, uống nước có gas, ăn nhiều tinh bột… có thể gây ra chứng đầy hơi, chướng bụng rất khó chịu.

Đầy hơi, chướng bụng là các triệu chứng thuộc về đường tiêu hóa, tuy không nguy hiểm nhưng khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và thường nhầm lẫn với hiện tượng chậm tiêu hóa. ời khỏe mạnh vẫn bị chứng đầy hơi thường là loại bệnh chức năng, nghĩa là không do tổn thương thực thể như viêm loét dạ dày tá tràng, khối u hay hẹp tắc ruột. Triệu chứng xảy ra do thói quen ăn nhiều tinh bột, các loại thức ăn chứa nhiều sorbitol hay nhai kẹo cao su, thiếu hụt enzyme lactase, suy tuyến tụy. Ngoài ra, uống các loại nước giải khát có gas hay do ăn quá nhanh, nuốt thức ăn lẫn với hơi cũng gây ra hiện tượng đầy hơi.

Đáng chú ý, ngay cả những người khỏe mạnh vẫn bị đầy hơi do dị ứng với thực phẩm nào đó mà không biết, thường gặp nhất là chất đường trong sữa và sản phẩm từ sữa. Cũng không hiếm trường hợp do gia chủ nạp quá nhiều rau cải khiến lượng chất xơ lọt vào khung ruột trở thành món khó tiêu. Tình trạng này càng rõ nét hơn nữa với bụng căng trướng nếu gia chủ quen tiêu thụ các món dễ sinh hơi như bắp cải, trứng gia cầm, đậu...

Chữa đầy hơi bằng trái cây

Mọi lứa tuổi đều có thể mắc chứng đầy hơi, chướng bụng nhưng thường gặp nhất là ở người cao tuổi. Tùy theo triệu chứng mà thầy thuốc có thể tìm ra nguyên nhân để điều trị. Tuy vậy, mỗi người cũng nên phòng ngừa triệu chứng này bằng cách duy trì chế độ ăn hợp lý; ăn chậm, nhai kỹ; tập thể thao thường xuyên để giúp ruột tránh khí ứ đọng. Ngoài ra, một số loại trái cây thông dụng như cam, bưởi, táo, dứa… cũng giúp ích rất nhiều khi chẳng may bạn xui xẻo mắc chứng đầy hơi, khó tiêu. Táo là một trong những loại trái cây hàng đầu có lợi cho đường tiêu hóa. Táo chứa nhiều pectin, protopectin và acid pectin đồng thời chất xơ trong loại quả này được tiêu hóa rất nhanh, cho phép điều chỉnh hoạt động tiêu hóa của ruột. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên rằng sau bữa ăn, bạn nên ăn một quả cam bởi loại trái cây này không chỉ giúp hỗ trợ tiêu hóa mà còn cung cấp đầy đủ dinh dưỡng nên đáng được xem như là một món ăn tráng miệng cần thiết và hữu ích.

Một loại quả khác không kém phần quan trọng trong trị chứng đầy hơi, chướng bụng chính là dứa. Do chứa rất nhiều chất bromelin giúp thúc đẩy sự hấp thụ protein trong cơ thể nên nếu ăn dứa trong bữa ăn thì sẽ dễ dàng tiêu hóa những thức ăn như thịt và cá. Nếu bạn gặp các vấn đề về tiêu hóa thì hãy nghĩ ngay đến quả bưởi bởi đây là cây mà lá, hoa và quả đều có thể dùng làm thực phẩm và thuốc. Khi bị đau bụng hoặc ăn không tiêu, bạn hãy sắc nước vỏ bưởi uống, ngày dùng 4-12 g dưới dạng thuốc sắc. Đơn giản hơn, bạn có thể ăn bưởi sau bữa ăn khoảng 1 giờ để giúp hỗ trợ tiêu hóa cho đường ruột. Ngoài ra, quả lê chứa các chất xơ như cellulo và hemicellulo.

Bằng cách hấp thụ rất nhiều nước ở trong cơ thể, các chất xơ phồng lên và thúc đẩy hoạt động tiêu hóa của ruột. Chú ý đừng bỏ vỏ quả lê khi ăn vì vỏ chứa nhiều chất xơ hơn cả thịt bên trong. Một liệu pháp đơn giản nhưng không kém hiệu quả trong điều trị chứng đầy hơi chính là nước chanh gừng. Sau một bữa ăn quá đà, bạn hãy pha thìa nước cốt chanh, gừng và mật o­ng với một ly nước ấm để có một món thức uống hiệu quả trị chứng đầy hơi.

Tỏi tốt cho tiêu hóa: tỏi là một gia vị thông dụng của mọi gia đình. Tỏi rất tốt để phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, ung thư; đặc biệt có tác dụng sát khuẩn, điều hòa hệ sinh vật ở đường tiêu hóa; chữa được các bệnh nhiễm trùng đường ruột, giúp tiêu hóa tốt hơn. Mỗi lần chỉ nên ăn từ 1-2 tép tỏi, không nên ăn quá nhiều trong một bữa ăn. Khi bụng đang đói nên tránh dùng các món ăn có tỏi như nem chua, tré, rau xào tỏi...

Những đồ ăn, uống không được để qua đêm 

Một số món ăn, đồ uống nhằm tránh lãng phí bạn có thể để qua đêm và dùng lại vào ngày hôm sau, nhưng không phải thực phẩm nào cũng dùng được như vậy, bởi nó không những không tốt cho sức khoẻ mà còn có tác dụng ngược.

Trà xanh

Theo ThS Nguyễn Thị Huyền, Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam, chè xanh có tác dụng chống ô-xy hóa, kéo dài tuổi thọ và làm cho làn da nhuận sắc hơn. Tuy nhiên, uống chè xanh cũng phải đúng cách, nếu không sẽ dẫn đến một số hậu quả không mong muốn. Buổi sáng khởi đầu cho một ngày, bạn nên hãm ấm chè xanh mới và chỉ thưởng thức chúng trong ngày mà thôi. Không uống nước chè xanh để qua đêm, bởi khi để lâu như vậy nước chè sẽ bị xỉn màu, thành phần vitamin B, C trong nước chè sẽ bị phân hủy, còn sản sinh nhiều vi khuẩn, nấm độc hại, do vậy rất nguy hại cho sức khoẻ nếu bạn uống trà xanh thừa của ngày hôm trước. Vì vậy, tốt hơn hết, buổi sáng khởi đầu cho một ngày, bạn nên hãm ấm chè xanh mới và chỉ thưởng thức chúng trong ngày mà thôi.

Trứng luộc

PGS.TS Phan Thị Sửu, giám đốc Trung tâm Kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, trứng gà để qua đêm có nên ăn hay không còn tùy thuộc vào quả trứng đó đã luộc chín hay chưa, bạn có luộc lại trước khi ăn hay không, và bảo quản ở đâu. Nếu bảo quản trong tủ lạnh thì cũng không có vấn đề nhiều, một số vi chất sẽ giảm. Tuy nhiên, nếu để ở ngoài thì với nhiệt độ từ 10oC trở lên sẽ là điều kiện cho vi sinh vật phát triển, khi ăn vào rất có hại cho dạ dày, đường ruột, gây đầy hơi, nóng, thậm chí tiêu chảy. Nếu lần đầu bạn đã luộc chín trứng, lần sau, trước khi ăn bạn luộc lại một lần nữa thì sẽ không vấn đề gì, vẫn có thể ăn được. Nhưng đối với những quả trứng luộc chưa chín hẳn (hay còn gọi là "lòng đào") thì tốt nhất là không nên ăn.

Những món gỏi

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học, Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết thêm, những món gỏi như gỏi cá, gỏi bò, gỏi tôm... Khi làm gỏi bạn cho rất nhiều gia vị như giấm, ớt... nếu để qua ngày hôm sau kể cả khi bạn cất trong tủ lạnh, món ăn cũng dễ sinh nấm mốc, gây ngộ độc, vì vậy, tốt nhất là ăn hết trong ngày.


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  5,287,416       1/623