Tin tức

Khi nữ sinh đam mê kỹ thuật

Khi quyết định học khối ngành kỹ thuật, cả Bùi Thị Diễm và Trần Thị Mỹ Ngọc (sinh viên năm 3 ngành Công nghệ Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa, Khoa Cơ điện - điện tử, trường Đại học Lạc Hồng) đều nhận được nhiều lời khuyên ngăn. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực, kết quả trong quá trình học tập của mình, những nữ sinh này đã chứng minh sự lựa chọn của mình là đúng đắn.

Bùi Thị Diễm (trái) và Trần Thị Mỹ Ngọc trong một buổi kiến tập. Ảnh: NVCC

* Kiên trì theo đuổi đam mê

Học hết THCS, Trần Thị Mỹ Ngọc lựa chọn học trung cấp ngành chế tạo máy tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai. Suy nghĩ ban đầu của Ngọc khá đơn giản: “Em cảm thấy ngành học này phù hợp với tính cách của mình. Hồi đó em có vẻ nam tính nên thích học ngành nào mạnh mẽ”.

Trần Thị Mỹ Ngọc và Bùi Thị Diễm là 2 nữ sinh trong lớp học gồm 36 thành viên của ngành tự động hóa. Khó khăn lớn nhất đối với 2 nữ sinh này là khi phải làm các công việc thuộc lĩnh vực cơ khí như: cắt, cưa, hàn. Bù lại, họ có sự khéo léo, tỉ mỉ trong công việc. Với chuyên ngành tự động hóa, khi ra trường sinh viên có thể lựa chọn làm việc ở 3 lĩnh vực: điện (sửa chữa, bảo trì), lập trình, cơ khí.

Dù tự nhận tính cách mạnh mẽ nhưng khi vào học ngành kỹ thuật này, Ngọc cũng khá “khớp” vì là nữ sinh duy nhất trong lớp. Điều này khiến Ngọc gặp nhiều trở ngại trong giao tiếp, kết bạn. Sau một thời gian, Ngọc dần quen với môi trường và nhận được nhiều sự giúp đỡ từ bạn bè, thầy cô trong suốt quá trình học. Nhờ đó, Ngọc đã tiếp thu khá tốt nội dung bài học, thậm chí còn vượt trội so với nhiều bạn cùng lớp.

Sau khi hoàn thành bậc trung cấp và có được tấm bằng tốt nghiệp THPT, Ngọc quyết định học lên đại học để có thêm kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm. Ngọc lựa chọn học tự động hóa vì có thể kế thừa được nhiều kiến thức, kỹ năng đã được học ở bậc trung cấp. Cũng nhờ có nền tảng trung cấp nghề, Ngọc khá thuận lợi khi học chuyên ngành ở bậc đại học.

Chia sẻ về lựa chọn ngành nghề của mình, Ngọc cho hay: “Ban đầu mẹ em không đồng tình với quyết định của em vì nghĩ rằng khối ngành kỹ thuật không phù hợp với nữ giới. Em cũng phải động viên, thuyết phục mẹ nhiều. Dần dần, chính khả năng, sự nỗ lực của em đã làm mẹ phải thay đổi suy nghĩ. Bây giờ thì gia đình hoàn toàn ủng hộ và tự hào mỗi khi nói về ngành nghề em đang theo học”.

* “Bóng hồng” năng nổ

Với Bùi Thị Diễm, “tình yêu” dành cho ngành tự động hóa bắt đầu từ khi em xem chương trình thi đấu Robocon trên truyền hình. Từ tình yêu đó, cuối năm học lớp 12, cô gái đến từ H.Phù Cát, tỉnh Bình Định đã quyết tâm theo đuổi ngành học này.

Quyết định của Diễm đã ngay lập tức chịu sự phản đối từ 2 người anh trai đang làm việc trong lĩnh vực cơ khí. “May mắn là cha mẹ em lại rất tôn trọng ý kiến của em và cho em quyền tự quyết định” - Diễm nhớ lại.

Trần Thị Mỹ Ngọc (trái) và Bùi Thị Diễm tại phòng thực hành khí nén - thủy lực

Những ngày đầu khi mới đặt chân đến TP.Biên Hòa, Diễm bỡ ngỡ, lo âu. Nhưng cô gái có dáng người nhỏ nhắn này đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. Ngoài giờ học, Diễm tham gia CLB võ thuật ở trường. Tại đây, Diễm gặp được sinh viên khóa trên và nhận được nhiều lời tư vấn, sự trợ giúp từ những người đi trước. Khởi đầu thuận lợi này đã giúp Diễm yên tâm, tập trung vào việc học. Kết quả ở năm học thứ nhất, Diễm đạt loại xuất sắc với điểm số cao nhất lớp. Thành tích học tập này khiến cho cả gia đình yên tâm và tiếp tục ủng hộ Diễm theo đuổi đam mê.

Không chỉ hoàn thành tốt các nội dung học tập, Diễm còn là thành viên năng nổ của lớp, của khoa. Diễm tham gia tất cả các hoạt động ngoại khóa, phong trào do khoa, trường tổ chức. Diễm cũng là thành viên góp mặt trong nhiều cuộc thi chuyên ngành. Hiện nay, Diễm đang tham gia 2 cuộc thi: Từ nhà sáng tạo đến khởi nghiệp (Maker to Entrepreneur Program - MEP) và Ý tưởng khởi nghiệp (CiC).

“Những cuộc thi chuyên ngành giúp em củng cố kiến thức, kỹ năng tay nghề và có thêm nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt, thông qua các hoạt động này, em được rèn luyện thêm nhiều kỹ năng mềm khác. Nhờ đó, em ngày càng trở nên hoạt bát, năng động, sôi nổi hơn. Em tự tin và sẵn sàng bày tỏ quan điểm cá nhân. Quan điểm cá nhân của em về việc nữ sinh học ngành kỹ thuật rất đơn giản, đó là các bạn nam làm được thì bạn nữ cũng làm được” - Diễm cho biết.

Học hỏi từ chương trình Female Engineering Student Workshop

Trần Thị Mỹ Ngọc và Bùi Thị Diễm hiện đang tham gia chương trình Female Engineering Student Workshop (TP.HCM) do Công ty TNHH Intel Products Việt Nam tổ chức. Đây là chương trình định hướng, cố vấn phát triển kỹ năng mềm, tiếp lửa đam mê dành cho nữ sinh viên khối ngành kỹ thuật. Với việc tham gia chương trình này, các nữ sinh sẽ được chuẩn bị một hành trang vững chắc cho sự nghiệp tương lai của mình.

 

Theo: Hải Yến

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        9,757,403       1/880